MỐI LIÊN HỆ GIỮA SÁNG TẠO VÀ TRẦM CẢM

MỐI LIÊN HỆ GIỮA SÁNG TẠO VÀ TRẦM CẢM

Facebook Google +
Và cách mà ngành công nghiệp thiết kế giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần.

Ngày nay, khái niệm “nghệ sĩ tự tra tấn” đã không còn quá xa lạ: ai có thể quên được chuyện Van Gogh tự cắt tai mình; hay Sylvia Plath thừa nhận về nỗi đau khổ tinh thần, và cuối cùng tự sát; hoặc cái chết đau lòng của Alexander McQueen khi anh tự tay kết liễu đời mình?

“Con chó đen trầm cảm” thường được ám chỉ như người bạn đồng hành của những người có thiên hướng sáng tạo, nhưng mặc dù chúng ta đều nhớ những câu chuyện bi thảm của giới văn nghệ sĩ ngày trước, sức khỏe tinh thần vẫn là vấn đề của tất cả mọi người. Những dự án thiết kế căng thẳng, thường xuyên kéo dài nhiều giờ liền, trần nhà bằng kính và môi trường làm việc điên cuồng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, và trong môi trường sáng tạo thì những điều kiện đó lại càng phổ biến hơn bất kỳ nơi nào khác.



Một bài báo năm 2014 đăng trên tờ Guardian tìm thấy mối liên hệ tương tự, theo đó: “Trung bình, các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và vũ công mang các biến thể gen [trầm cảm] nhiều hơn 25% so với những ngành được các nhà khoa học đánh giá là ít sáng tạo hơn, trong đó có nông dân, lao động thủ công và nhân viên bán hàng.”

Nỗi lo lắng như nguồn năng lượng sáng tạo

Một nghiên cứu do hai giáo sư đại học Harvard là Modupe Akinola và Wendy Berry Mendes công bố có tiêu đề “Mặt tối của tính sáng tạo: Tình trạng dễ bị tổn thương về mặt sinh học và những cảm xúc tiêu cực dẫn đến sức sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ hơn“. Nghiên cứu phát hiện một mối liên hệ chặt chẽ giữa các mức độ steroid adrenal (tên hóa học là dehydroepiandrosterone-sulfate, hay DHEAS) liên quan đến trầm cảm và sáng tạo nghệ thuật.

Điều này chỉ ra rằng những người bẩm sinh có khuynh hướng sáng tạo dễ bị các “cảm xúc tiêu cực dữ dội” tác động hơn so với các đồng nghiệp không sáng tạo bằng. Để nhất quán với ý tưởng cho rằng tính sáng tạo nổi lên từ những nơi tăm tối, nghiên cứu còn tuyên bố “những yếu tố hoàn cảnh kích thích tác động tiêu cực đặc biệt ảnh hưởng tới những người có lượng DHEAS thấp hơn, dẫn đến những sản phẩm sáng tạo nhất”. Nói cách khác, khi các đối tượng không trầm cảm bị làm cho cảm thấy tồi tệ về bản thân, họ trở nên sáng tạo hơn.

Tom Fitzgerald, giám đốc sáng tạo của agency xây dựng thương hiệu Guvnor, trụ sở tại Melbourne, hiện đang trong giai đoạn hồi phục sau 16 tháng trầm cảm trầm trọng “do cố gắng kiếm tiền trong ngành công nghiệp sáng tạo và điều hành một studio,” anh nói. “Nỗi lo lắng vừa thuận lợi vừa bất lợi. Những cá nhân sáng tạo thường bị cảm giác ngờ vực thúc đẩy, và đó là điều tạo động lực cho chúng ta cải thiện. Nghi ngờ đi kèm với lo lắng, nhưng bạn cần phải học cách khai thác điều đó và không để nó kiểm soát.”


“Creativity and Depression”
(Sáng tạo và trầm cảm), tranh của George Douglas

Có giai thoại cho rằng ham mê, “bạn cùng giường” với chứng trầm cảm, liên quan đến sức sáng tạo cao và sản phẩm đầu ra. Trong bài viết đăng trên tạp chí Psychology Today (Tâm lý học ngày nay) năm 2012, Neel Burton nhắc đến nghiên cứu năm 1970 của Nancy Andreasen. Ông phỏng đoán: “Với Andreasen, người làm sáng tạo có thể khác với người khác ở chỗ họ sẵn lòng trải nghiệm, mạo hiểm khám phá và khoan dung hơn với sự mơ hồ. Những đặc điểm này giúp họ nhìn thấy, cảm nhận và hiểu nhiều hơn, nhưng cũng khiến họ dễ bị tổn thương hơn, và do đó dễ dẫn đến tâm trạng đau khổ và tuyệt vọng hơn.

Người làm sáng tạo trải nghiệm trật tự và cấu trúc khiến người khác ức chế và thậm chí nghẹt thở… họ cảm thấy cần phải trốn vào “vùng xám vô biên” phong phú và nhiều sắc thái hơn. Tự do mà họ tìm thấy trong tình trạng lấp lửng này cho phép họ bước vào giai đoạn tập trung mãnh liệt như một cơn hôn mê hoặc hứng cảm. Những đặc điểm của giai đoạn này là ý thức cao, hoạt động điên cuồng, và năng suất làm việc cao. Đồng thời giai đoạn này cũng là dấu hiệu của quá trình sáng tạo.”

Nhà thiết kế đồ họa Luke Wilson bị lo âu và trầm cảm, một con dao hai lưỡi vừa đòi hỏi anh phải tránh né môi trường studio đầy áp lực vừa khiến anh lo sợ mình không sáng tạo ra những tác phẩm tốt nhất trong khả năng có thể. “Đôi khi tôi cảm thấy như bản thân đang tìm kiếm một cuộc sống dễ dàng, hạnh phúc, trong đó [trước khi bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm] tôi từng muốn trở thành nhà thiết kế giỏi nhất thế giới làm việc cho những studio đẳng cấp nhất. Nhưng tôi lại làm việc muộn về đêm, không ngủ, và không bao giờ gặp gỡ bạn bè. Bây giờ tôi chán nản và lo âu vì lo rằng mình đang sáng tạo ra những tác phẩm tầm thường.”

Sự rõ ràng của trầm cảm trong văn hóa sáng tạo

Thật khiếm nhã và nguy hiểm khi xem trầm cảm hoặc ham mê là lợi ích của óc sáng tạo. Mặc cho mối liên kết rõ ràng này, có khả năng ngay cả những người ham mê hay trầm cảm “làm việc cực kỳ hiệu quả” vẫn lựa chọn từ bỏ tình trạng của mình nếu có thể. Như Van Gogh từng viết: “Ôi, nếu không mắc căn bệnh đáng nguyền rủa này, ta đã có thể hoàn thành biết bao nhiêu điều.”

Nhà thiết kế kỹ thuật số Nick Hurley cho biết: “Căn bệnh trầm cảm suýt giết chết sự nghiệp của tôi nhiều lần. Trầm cảm không phải là “nhiên liệu” tiếp thêm năng lượng cho tôi làm việc, đó chỉ là tảng đá trong xe khiến tôi chạy trong tình trạng rỗng tuếch thường xuyên hơn. Từ khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, tôi đã có thể vẽ với “bảng màu cảm xúc” lớn hơn so với trước đây. Có khả năng hoạt động đáng tin cậy hơn lúc trước nghĩa là tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để làm những gì mình yêu thích.”

Như Beth Murphy của tổ chức từ thiện tinh thần Mind chia sẻ: “Điều quan trọng là chúng ta không lãng mạn hóa người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, những người luôn được miêu tả là các thiên tài sáng tạo đang phải vật lộn.” Cô nói thêm rằng mặc dù những nét tính cách gắn liền với rối loạn lưỡng cực có thể mang lại lợi ích cho người làm sáng tạo, nhưng có thể những người này đơn giản là có nhiều khả năng chọn lựa những vai trò khuyến khích các kỹ năng sáng tạo của họ hơn.
Sáng tạo như một liệu pháp

Hành động sáng tạo cũng có thể mang tính điều trị và thanh tẩy, như dự án No Shame in Sadness (Buồn rầu không có gì đáng xấu hổ) của họa sĩ minh họa Murray Sherville sống và làm việc tại Luân Đôn, và những mô tả dễ thương của Gemma Correll về chứng lo âu và trầm cảm của chính cô. Nghệ sĩ viết chữ Jon Tillyer bị ảnh hưởng bởi tình trạng sức khỏe tâm thần trong nhiều năm qua, và tìm thấy niềm an ủi và lối thoát trong công việc mà những hành vi tự chăm sóc khác không mang đến được cho anh.

No Shame in Sadness (Buồn rầu không có gì đáng xấu hổ) của họa sĩ minh họa

Mat Roff

“Ở bên cạnh người khác không thực sự có ích, nhưng làm việc thì có”, anh cho biết.

“Khi làm cái gì đó bằng tay, tôi trở nên phân tâm và không còn tập trung nhất vào chứng loạn thần kinh của mình nữa. Làm việc khiến tôi bình tĩnh hơn nhiều. Đôi khi đó là điều duy nhất giúp tôi không đánh mất lý trí; một trong những nơi an toàn nhất là ngồi xuống với cây bút chì.”

Mối quan hệ ‘gà-trứng’ giữa óc sáng tạo và trầm cảm khiến ta không thể đưa ra một kết luận đơn giản. Có lẽ nào làm việc khiến những người làm sáng tạo bị trầm cảm, khi mà nếu không làm việc, có thể họ sẽ không như thế? Phải chăng khi sáng tạo ra tác phẩm nào đó, nỗi đau khổ của họ trở nên rõ ràng hơn? Có phải chúng ta chỉ đơn thuần phải tạo ra những mối liên hệ như vậy, nhờ vào truyền thống “nghệ sĩ bị tra tấn” đó?

Như Albert Rothenberg, giáo sư tâm thần học tại Đại học Harvard, phát biểu với tờ Guardian, “Vấn đề là những tiêu chí sáng tạo không bao giờ thực sự sáng tạo. Thuộc giới nghệ sĩ, hay làm việc trong ngành nghệ thuật hoặc văn học, hoàn toàn không chứng minh được ai đó là người sáng tạo. Nhưng thực tế là nhiều người mắc bệnh về tâm thần cố gắng làm những công việc liên quan đến nghệ thuật và văn học, không phải vì họ giỏi trong lĩnh vực đó, mà bởi vì những ngành này thu hút họ. Và điều đó có thể làm lệch dữ liệu.”
Vấn đề của văn hóa agency

Trong thế giới thiết kế chuyên nghiệp, người ta vẫn còn thái độ kỳ thị đối với tình trạng sức khỏe tinh thần, dù ngày càng có nhiều những cuộc đối thoại cởi mở về chủ đề này. Có lẽ một số người nhìn nhận trầm cảm như là dấu hiệu của sự yếu đuối và lo sợ sự nghiệp của họ sẽ bị đe dọa.

Naomi Morris hiện là nhà văn đồng thời là nhân viên tiếp thị từng làm việc bốn năm tại một agency xây dựng thương hiệu ở Anh Quốc. Những gì cô trải qua không chỉ đáng buồn mà còn vô cùng quen thuộc, đến mức đáng lo ngại. “Tôi khóc khoảng ba lần một tuần vì áp lực công việc, và vì người thiết kế cấp cao không ngừng chỉ trích tôi vì tôi là người trẻ nhất“, cô tâm sự. “Anh ta chẳng bao giờ nói chuyện với bạn trừ khi đó là những lời chê trách. Tôi luôn là đàn em trong mắt họ, mặc dù họ sẽ thuê những người ít kinh nghiệm để làm những việc trung gian và sau đó chuyển việc của họ sang cho tôi phân loại. Từ một nhà thiết kế tự tin, giờ đây tôi trở nên lo lắng (và muốn khóc thêm lần nữa) mỗi khi nhận được bản brief.”

Bên cạnh vấn đề tuổi tác, Morris cảm thấy rằng một nền văn hóa “phe phái”, cùng với việc cô là người phụ nữ duy nhất trong agency, càng khiến cho mọi thứ tồi tệ hơn khi cô quan sát những người xung quanh phải cam chịu trong môi trường với những áp lực không thực tế và sự quản lý kém. “Một thanh niên trẻ khác đã bị suy sụp tinh thần vì công việc,” cô cho biết. “Tôi đã rời khỏi đó sáu tháng trước và bây giờ tôi vẫn gặp một vài vấn đề về sự tự tin. Khi bắt đầu công việc mới, tôi đã thực sự đau khổ, nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi, và tôi biết điều đó là do một năm làm việc ở công ty cũ. Tôi chắc chắn không phải nơi nào cũng thế, nhưng sau năm năm học tập và bốn năm thực hành, điều đó đã giết chết ý định trở thành nhà thiết kế của tôi.”

Áp lực phải tỏ ra vui vẻ và điềm tĩnh trong công việc cũng có thể gây mệt mỏi cho những người bị lo âu hoặc trầm cảm.

Wilson thấy những yêu cầu của cuộc sống agency gây hại cho bản thân quá nhiều, đến nỗi anh quyết định làm freelance: “Trong văn phòng, bạn phải đeo mặt nạ, phải giả bộ tươi cười dù cảm thấy vô cùng tồi tệ. Tôi không thể lúc nào cũng làm điều đó.” Nhu cầu phải tập trung vào mọi thứ cùng lúc, bình tĩnh, làm việc chăm chỉ, tư duy tiến bộ có thể là một “mồi lửa” khổng lồ. “Nói về cảm xúc thật không chuyên nghiệp chút nào,” anh nói thêm. “Cuối cùng tôi đã từ bỏ vì không thể chịu đựng nổi.“
Các nhà tuyển dụng có thể làm gì để hỗ trợ?

Vậy các agency có thể làm gì để giảm thiểu những “mồi lửa kích động” và hỗ trợ các nhân viên bị trầm cảm? Trong ngành công nghiệp thiết kế, những triệu chứng cho thấy mọi thứ có thể không 100% ổn gắn liền với một vài dấu hiệu điển hình của công việc như: hưng phấn quá mức, mệt mỏi và tự giải tỏa bằng rượu bia hay ma túy.

Mind đã công bố một cẩm nang hữu ích có thể áp dụng ở bất kỳ môi trường làm việc nào, trong đó hướng dẫn các nhà tuyển dụng cách tốt nhất để xử lý vấn đề sức khỏe tâm thần. Lời khuyên hàng đầu là xây dựng một nền văn hóa cởi mở và khuyến khích, thay vì phân biệt đối xử; không bao giờ tưởng này tưởng nọ về người khác; đảm bảo các cuộc trò chuyện về sức khỏe tinh thần diễn ra ở những địa điểm và thời gian thích hợp, và cung cấp sự linh hoạt về giờ làm, nhiệm vụ và không gian làm việc.

Fitzgerald đã cho nhân viên 45 phút chợp mắt vào đầu giờ chiều và điều này vô cùng hiệu quả. Anh thấy khả năng tư duy sáng tạo, rõ ràng của nhân viên tăng từ ba, bốn giờ mỗi ngày lên đến sáu tiếng đồng hồ. Với anh, để có thể duy trì sức khỏe tâm thần ổn định khi làm thiết kế, bạn phải biết kiểm soát sự kỳ vọng và phấn đấu đạt được trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tillyer, người làm freelance trong một studio chung, thấy rằng mình thật may mắn khi được làm việc với những người có cùng suy nghĩ, không ngần ngại bộc lộ cảm xúc. “Làm sáng tạo là bạn phải thể hiện mình là ai,” anh nói. “Khi làm freelance, mọi người không cần phải thấy cách làm việc của tôi hay tôi có một ngày tồi tệ như thế nào, nhưng tôi không thể nào quá khó chịu trong studio.” Nói về những vấn đề này – đặc biệt là đối với nam giới – là tối quan trọng. “Hầu hết những người đàn ông tôi biết đều không cởi mở về cảm xúc của họ. Bạn phải sẵn lòng nhận sự giúp đỡ và đừng cố gắng ngăn chặn tất cả.“

Hurley nói thêm, “Thật lạ lùng, chứng trầm cảm của tôi cũng giúp tôi có vài mối quan hệ tuyệt vời với khách hàng mà tôi không thể nào ngờ tới… Tôi nhận thấy rằng trong ngành thiết kế, những người tốt nhất để làm việc cùng là những người biết đồng cảm. Xét cho cùng, thiết kế cũng chỉ có vậy: đồng cảm. Đồng cảm với khách hàng, đồng cảm với bản thân bạn và đồng cảm với người dùng.“

“Xét cho cùng, thiết kế cũng chỉ có vậy: đồng cảm. Đồng cảm với khách hàng, đồng cảm với bản thân bạn và đồng cảm với người dùng.”

Mặc dù vậy, trong các ngành công nghiệp sáng tạo cạnh tranh khốc liệt, thực tế luôn như vậy? Văn hóa agency thường đồng nghĩa với thời gian dài và tự cung tự cấp, và nhiều người cảm thấy rằng các nhà quản lý không ưa bất kỳ đề xuất nào về những khó khăn mà tình trạng này gây ra.

Morris cho biết cô có cảm giác như thể những người từng là đàn anh đàn chị của cô nghĩ rằng: “Nếu không làm việc từ 8 giờ sáng cho đến 10 giờ tối, bạn không phải là nhà thiết kế thực thụ.” Cô tiếp tục: “Đôi khi tôi làm việc 13 tiếng một ngày suốt cả tuần, và bạn không thể nói không. Dường như làm việc đến đổ bệnh là những gì ‘các nhà thiết kế thực thụ làm’. Làm việc chỉ để được trả khoảng £5 ($6.59) một giờ, thế nên như vậy cũng là phạm pháp! Tôi đã thấy nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ vì công việc. Làm một nhà thiết kế thực sự là như vậy sao?”

Trải nghiệm của Wilson cũng tương tự như thế, và anh khuyên các sếp trong agency nên đứng lên chống lại những khách hàng đòi hỏi vì sự an lành của các nhân viên thiết kế. “Các studio làm mọi việc để chiều lòng khách hàng, dù là những yêu cầu hết sức vô lý,” anh cho biết. “Thật điên rồ. Cuối cùng bạn là người ở lại muộn, chứ không phải mấy ông giám đốc, và họ lại kỳ vọng bạn phải ‘đàn ông lên’ – tôi ghét cụm từ đó. Chính những nhà thiết kế trẻ phải còng lưng ra cày, và những áp lực đè nặng lên họ có thể dễ dàng được giảm bớt.”


NO SHAME IN SADNESS bởi Murray Somerville

Khả năng xử lý các vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên vô cùng khác biệt ở những agency khác nhau. Lauren Pennington, nhà thiết kế đồ họa ở Manchester, hiện đang là thiết kế trong một agency chuyên về tiếp thị, đã phải nhập viện do trầm cảm vài năm trước. Với vai trò lúc trước, cô thấy rằng làm việc cùng một đội ngũ biết cảm thông là hết sức quan trọng với sức khỏe của cô. “Thật khó để giải thích chứng trầm cảm cho mọi người, nhưng biết rằng cả đội ngũ và giám đốc sáng tạo luôn thông cảm cho mình giúp đỡ tôi rất nhiều,” cô chia sẻ. “Họ luôn luôn ở đó nếu tôi cần tâm sự, và biết rằng sẽ có vài ngày tôi làm việc không hiệu quả hoặc có thể phải về sớm, và họ sẽ xoay xở với việc đó.”

Với những người gặp phải vấn đề tương tự, Pennington khuyên lập danh sách và tìm kiếm những các ‘trốn thoát’ lành mạnh, như đọc sách, là một điều rất hữu ích. “Mọi người cần phải biết họ không đơn độc, và họ cần phải lên tiếng nhiều hơn về những vấn đề này,” cô nói. “Đưa tay cầu cứu không quá đáng sợ như người ta nói đâu. Bạn phải đặt sức khỏe của mình lên hàng đầu: hãy học cách từ chối.” Đối với Hurley, anh gợi ý những điều mà hầu hết chúng ta đều biết trong thâm tâm, “ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và nói chuyện cởi mở,” và “khi có một ngày tâm trạng không tốt, hãy nhận ra rằng có thể bạn cần thời gian nghỉ ngơi và không được dằn vặt bản thân vì điều đó.”

Wilson bổ sung, “Các agency cần phải tôn trọng nhân viên hơn một chút, và nhận ra rằng mọi người cần về nhà lúc 6 giờ chiều. Ai cũng cần một cuộc sống, chứ không phải là một nền văn hóa lúc nào cũng làm việc muộn để chạy cho kịp những deadline lố bịch.”

“Ai cũng cần một cuộc sống, chứ không phải là một nền văn hóa lúc nào cũng làm việc muộn để chạy cho kịp những deadline lố bịch.”

*Một số tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.


Tác giả: Emily Gosling
Nguồn dịch : idesign.vn
Nguồn: Eyeondesign

BÌNH LOẠN, CHÉM GIÓ (0)